Phim 19 thật đến đau đớn
Mỗi một bộ phim, người ta lại thấy cách khai thác không bao giờ lặp lại của Kim Ki Duk khi miêu tả những cuộc yêu đương chăn gối, những cuộc trả thù, những sự tranh đấu vì người mình yêu thương.
Trước khi bộ phimPieta của ông sắp ra rạp vào tháng 8 tới, hãy cùng nhìn lại một số tác phẩm "trần trụi đến gai người" trong sự nghiệp gặt hái nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế của Kim Ki Duk.
The Isle (2000)
Bộ phim miêu tả về cuộc sống và đời sống tâm lý của một cô gái trên một hòn đảo. Những gã đàn ông tới đó câu cá, mua mồi câu từ Hee Jin. Đó là một nhân viên một khu du lịch câu cá.
Nhưng Hee Jin vốn bị câm. Cô bán mồi câu, thức ăn cho cá và hàng đêm, cô lại đến để phục vụ cho đám đàn ông "thối tha" đó. Cuộc sống trông coi khu vực câu trên đảo và làm nghề gái điếm cứ lặng lẽ trôi đi trong ước mơ cháy bỏng được sống một cuộc đời bình thường.
Và rồi một ngày, cô đã cứu Hyun Shik – một gã đang chạy trốn cảnh sát – để từ đó đem lòng yêu hắn thực sự.
Address Unknow (2001)
Bối cảnh một làng quê nghèo nơi đồn trại lính Mỹ đóng được Kim Ki Duk thổi vào một không khí ngột ngạt như chính sự thật về xã hội Hàn thời chiến.
Một Chang Guk luôn tự ti vì mang dòng máu lai, hắn đánh đập mẹ mình một cách nhẫn tâm...
Một cô gái Eun Ok bị hỏng một bên mắt rồi lại bị hãm hiếp, được một tên lính hứa chữa mắt cho với điều kiện phải sống với hắn...
Một kẻ chuyên đi giết chó được gọi là Dog Eye dùng tiền để hành hạ mọi người, nhưng cuối cùng đã bị chết bởi chính sự trả thù của Chang Guk...
Những kết thúc đau đớn của cả bốn nhân vật chính tạo nên sức mạnh không lời về tầng ý nghĩa trong phim. Cô gái Eun Ok sau khi được chữa sáng mắt lại tự chọc mù mắt mình vì biết kẻ mang ơn cũng chỉ là một kẻ tầm thường.
Người con trai Chang Guk sau khi giết chết kẻ hành hạ anh, trước khi biết mình sẽ phải chết, đã cắt đi bầu ngực của người mẹ ruột. Đó là việc làm bất lực để bảo vệ người mẹ trước những tai họa rất dễ xảy ra từ những con mắt thèm muốn.
Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân (2003)
Phim như một bài thơ nghệ thuật về đời người và Phật pháp.
Một ngôi chùa nhỏ giữa hồ chứng kiến cuộc đời của một nhà sư, từ lúc còn là chú tiểu tới khi về già. Mối tình chớm nở giữa chú tiểu và người con gái bị bệnh trầm cảm tới chùa xin chữa bệnh đã lôi kéo chú trốn chạy khỏi chốn nhà Phật.
Nhưng cũng vì tình yêu bị phản bội, chú đã trả thù bằng cách giết chính người vợ rồi quay trở lại ngôi chùa năm xưa, khắc hết bài kinh Bát Nhã Ba-la-mật trước khi đi nhận án tù. Nhiều năm sau, chú quay trở lại chính ngôi chùa cũ. Sư ông đã tự thiêu. Người phụ nữ năm nào mang đứa con bỏ lại thềm chùa.
Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân, chú tiểu năm nay nay đã trở thành một sư ông, tiếp tục dạy dỗ đứa con trai của mình về đạo.
Samaritan Girl (2004)
Bộ phim nhuốm màu bi kịch của cả ba số phận. Cô bé tuổi teen Yeo Jin nhảy lầu tự sát khi bị cảnh sát bắt vì hoạt động mại dâm trái phép. Người bạn Jae Young trả thù những gã đàn ông của Yeo Jin bằng việc ngủ với họ và trả lại chính số tiền họ đã đưa cho Yeo Jin. Bố Yeo Jin từ một cảnh sát trở thành kẻ sát nhân trong cuộc trả thù những tên ngủ với con gái mình.
Yếu tố tình dục và bạo lực làm người xem thấy sợ hãi. Nhưng xét cho cùng, những khoảng lặng trong tâm lý nhân vật mới chính là điều đặt nhiều tâm huyết nhất của đạo diễn. Ông tố cáo tệ nạn mại dâm trẻ em trong xã hội và làm bật lên tình bạn chung thủy, tình cha con cao quý.
Arirang (2011)
Bộ phim nhận được giải thưởng của Hội đồng giám khảo Một cái nhìn tại Cannes 2011 nhưng gây tranh cãi không nhỏ.
Kim Ki Duk tự mình đảm nhiệm bốn vai trò: đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất, diễn viên; người phỏng vấn, người được phỏng vấn và bản thân Kim Ki Duk. Bộ phim là những câu đối thoại để chỉ trích về nền điện ảnh Hàn, về những đạo diễn đồng nghiệp. Kết phim là hình ảnh Kim Ki Duk tự bắn vào đầu mình.
Người xem sẽ thấy một bệnh nhân Kim Ki Duk trầm cảm trong chuỗi ngày bế tắc của cả một nền điện ảnh, sự u uất không tìm được lối thoát, nỗi đau chìm đắm vì bị phản bội.
Nhưng Kim Ki Duk ngoài đời đang hồi phục bằng chính sự trở lại điện ảnh qua tác phẩm Arirang này và bằng chính những giọt nước mắt trong cuộc phỏng vấn tại Cannes 2011.